Góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi): Luật mới phải khắc phục “nhiễm độc” văn hóa
VHO- Trước bối cảnh nền điện ảnh nội địa gặp nhiều khó khăn, sứ mệnh của Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phải tháo gỡ những bất cập đó, đặc biệt là trước thực trạng lan tràn phim ngoại và sự lép vế của phim Việt.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị - hội thảo Ảnh: THANH TÙNG
Chấp nhận quy luật tất yếu của cơ chế thị trường, các nhà điện ảnh trong nước cũng đề nghị cần có thêm nhiều chính sách mới để phim Việt không bị chèn ép bởi làn sóng phim ngoại nhập cũng như cách đối xử bất công của hệ thống rạp của các Công ty liên doanh nước ngoài… “Những người trong cuộc” đã khơi gợi nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ tại Hội nghị- hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) ở khu vực phía Bắc do Bộ VHTTDL vừa tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị- hội thảo.
Luật cũ đã có nhiều bất cập
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, qua 12 năm thực thi Luật, Điện ảnh Việt Nam đã thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào các lĩnh vực của hoạt động điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh… Các quy định về việc thành lập các cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim; việc tổ chức, tham gia LHP, hội chợ phim đã đưa điện ảnh Việt vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế. “Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần có điều chỉnh phù hợp, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh phát huy được vai trò và ý nghĩa chiến lược của mình…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà nêu cụ thể một số quy định lỗi thời, trong đó có phổ biến phim: “Chỉ riêng khai thác phổ biến phim trên internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những vấn đề mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh hiện hành”. Nhiều phim không được cấp phép ra rạp nhưng vẫn phổ biến trên mạng. Hiện nay xu hướng phim sản xuất chỉ phát hành trên Internet như “nấm mọc sau mưa”, mỗi năm có hàng trăm phim. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, cần có cơ chế, chính sách quản lý mới, phù hợp hơn. Luật cần tính tới xu thế nhiều phim phát hành vượt biên giới, bởi việc dán nhãn chỉ mới dừng lại ở cảnh báo chứ chưa có công cụ kiểm soát độ tuổi chặt chẽ trên mạng.
Ngoài ra, khó khăn còn là vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh… với nhiều diễn biến tiêu cực mà Luật hiện hành chưa quy định và chưa có chế tài xử lý. Theo bà Hà, nhiều chính sách quản lý hiện nay đang hạn chế việc hợp tác quốc tế trong điện ảnh. Hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, xu thế hợp tác làm phim đa quốc gia ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích, không chỉ riêng việc quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia.
Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng của thị trường Việt Nam, nhiều người đã lạc quan bởi doanh thu điện ảnh tăng đều đặn mỗi năm gần 30%. Năm 2000 doanh thu khoảng 2 triệu USD, tới 2018 lên hơn 100 triệu USD, dự kiến năm nay đạt 150 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều nhà làm phim lại bày tỏ những lo ngại cho thực trạng phát triển của điện ảnh Việt Nam. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia nhìn nhận, sự phát triển này không xuất phát từ nội lực. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất phim, đầu tư luôn rạp chiếu và kiêm cả nhập phim nên lợi nhuận chủ yếu rơi vào túi doanh nghiệp ngoại, trong nước nguồn thu không đáng kể. Một số hãng lớn như Galaxy, BHD cố gắng xoay xở nhưng cũng khó “lại” được sức mạnh của doanh nghiệp ngoại.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, NSND Đặng Xuân Hải lo ngại, mỗi năm có trên 250 phim ngoại nhập, đây là mối nguy cơ đe dọa văn hóa truyền thống. “Phim Việt ngày càng lép vế khi các cụm rạp bố trí giờ chiếu chưa phù hợp, đau khổ hơn là vào các khung giờ hiểm như 9h sáng, 12h trưa, chiếu các ngày trong tuần. Không có khách, phim đưa vào rạp rồi lại bị đưa ra”, ông Hải nói. Chủ tịch Hội Điện ảnh lưu ý, nhiễm độc thực phẩm thì chỉ mất thời gian khắc phục 5-7 ngày, nhưng “nhiễm độc” văn hóa thì khó khắc phục vô cùng. Theo ông, trọng trách của Luật Điện ảnh sửa đổi lần này là phải “gánh vác” cho được vấn đề đó. Dù hoạt động trong cơ chế thị trường nhưng điện ảnh Việt Nam phải được cảnh tỉnh để không là “kẻ bưng bê” cho cơ chế thị trường.
Khán giả vẫn luôn trông chờ điện ảnh Việt Nam có những bộ phim chất lượng doanh thu cao như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Ngày vàng, giờ vàng cho phim Việt?
Nhấn mạnh chất lượng phim luôn là yếu tố tiên quyết, nhưng nhiều nhà điện ảnh Việt cũng cho rằng, Luật sửa đổi cần có quy định rào cản chặt chẽ hơn, khống chế ngày, giờ vàng và tỉ lệ chiếu phim Việt. Cụ thể, tăng dần tỉ lệ phim Việt chiếu rạp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020, tầm nhìn 2030: đến 2020 phải đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp và năm 2030 ít nhất là 45%. Theo nhiều chuyên gia, trong kế hoạch đặt hàng sản xuất phim, Nhà nước nên bố trí tỉ lệ kinh phí nhất định cho hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm (đặc biệt phim truyện) để góp phần nhanh chóng đưa những bộ phim đáp ứng định hướng công tác văn hóa, tư tưởng đến với khán giả.
Theo ông Nguyễn Danh Dương, nếu sửa đổi Luật Điện ảnh mà không thay đổi quan điểm nhìn nhận thì rất khó. Xã hội phát triển nhưng nhận thức và quản lý lại chưa theo kịp. Sự thay đổi công nghệ điện ảnh khiến điện ảnh Việt gần như rơi xuống đáy. Ông Dương cho rằng, một cụm rạp nên có ba phòng chiếu trở lên, nay chủ trương chỉ giữ lại một phòng là chưa hợp lý. Cứ đà này vài năm nữa doanh nghiệp nước ngoài chiếm gần 90% số rạp cả nước.
Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đề xuất, nên đưa khái niệm thị trường điện ảnh vào Luật để tránh độc quyền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Bà Lan nhắc lại việc thời gian qua một số doanh nghiệp điện ảnh gửi đơn kiến nghị về sự chèn ép, độc quyền của doanh nghiệp nước ngoài khiến chúng ta gặp khó ngay trên sân nhà. Đánh giá tính khả thi của chính sách đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, theo nguyên Cục trưởng, bà ủng hộ chính sách này, nhưng cần xác định việc phát triển điện ảnh không thể trông chờ nhiều vào phim Nhà nước đặt hàng. “Nên khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất những bộ phim theo mục tiêu Nhà nước đặt ra, hoặc những dòng phim khó như phim lịch sử, phim giáo dục truyền thống yêu nước, phim góp phần xây dựng đạo đức cho thanh thiếu niên nhi đồng… Bù lại, Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất phim này”, bà Lan nói.
Khuyến khích các thành phần kinh tế xã hội sản xuất phim, thúc đẩy điện ảnh là xu thế tất yếu, tuy nhiên nhiều hãng phim kêu khó do chính sách ưu đãi chưa nhiều. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó TGĐ Cty BHD đề xuất, Luật mới nên có những điều khoản cụ thể về ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phim như ưu đãi lãi suất vay. Đầu tư hơn chục tỉ đồng làm phim mà “chết” thì không ai còn động lực tiếp tục nữa. “Sản xuất phim lại không có cách nào vay vốn ở ngân hàng, vì tài sản vô hình ở Việt Nam chưa được coi là tài sản…”, bà Hạnh nêu.
Nhắc lại vụ việc Cô Ba Sài Gòn bị xâm phạm bản quyền khi vừa ra rạp, bà Hạnh cho rằng, vấn đề sở hữu trí tuệ cần được Luật điều chỉnh bằng những quy định chặt chẽ: “Ăn trộm chiếc xe máy thì bị đi tù, nhưng quay trộm bộ phim rồi đưa lên mạng thì nhà sản xuất chỉ biết khóc ròng. Sản xuất phim đầu tư rất nhiều tiền, nhưng vấn đề bảo hộ chất xám, bản quyền lại dường như bị xem nhẹ, khiến ít người dám đầu tư”.
Phim Việt ngày càng lép vế khi các cụm rạp bố trí giờ chiếu chưa phù hợp, đau khổ hơn là vào các khung giờ hiểm như 9h sáng, 12h trưa, chiếu các ngày trong tuần. Không có khách, phim đưa vào rạp rồi lại bị đưa ra. Nhân hội nghị này, một lần nữa tôi lưu ý, nhiễm độc thực phẩm thì chỉ mất thời gian khắc phục 5-7 ngày, nhưng “nhiễm độc” văn hóa thì khó khắc phục vô cùng vì phim ngoại đang tràn lan. Do vậy, trọng trách của Luật Điện ảnh sửa đổi lần này là phải “gánh vác” cho được vấn đề đó. (NSND ĐẶNG XUÂN HẢI, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) |
PHƯƠNG ANH